Home

Kinh doanh tin nhắn

Chỉ 600 triệu đồng đầu tư ban đầu, doanh thu tăng trưởng mỗi năm 100% và tỉ suất sinh lời 25%, ai dám nói kinh doanh tin nhắn là nhặt bạc cắc?

Các hình thức kinh doanh qua tin nhắn đang phát triển rất mạnh tại Việt Nam và mang lại nguồn lợi không nhỏ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành này được dự đoán chỉ phát triển được trong khoảng 10 năm nữa.

Tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn

Doanh thu năm 2011 của Công ty Cổ phần VMG, chuyên kinh doanh nội dung số và các dịch vụ qua tin nhắn, đạt hơn 463 tỉ đồng, lợi nhuận đạt gần 185 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ tin nhắn báo cáo kết quả xổ số là nhiều nhất, ước tính khoảng 1 tỉ đồng/ngày. Theo báo cáo tài chính của VMG, từ năm 2009-2011, tốc độ tăng trưởng doanh thu của VMG đạt từ 20-36%.

Cùng tham gia mảng nội dung số với VMG còn có hàng trăm công ty khác. Điều này cho thấy thị trường là khá lớn. Doanh thu của các công ty này chủ yếu đến từ các hoạt động tải game, hình, nhạc, tin nhắn bình chọn của khách hàng.

Một ngách nhỏ trong ngành này là kinh doanh tin nhắn marketing. Đó là những doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ tiếp thị qua tin nhắn cho khách hàng. Ví dụ những tin nhắn báo cáo số dư tài khoản ngân hàng, hay tin nhắn báo các chương trình khuyến mãi, sản phẩm mới.

Ông Vũ Hoàng Tâm, Giám đốc Điều hành Công ty VHT, cho biết mỗi tháng, tính riêng 2 công ty chuyên về tin nhắn marketing là VNPay và VHT đã gửi đi khoảng 25 triệu tin nhắn marketing, ước tính doanh thu khoảng 12,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thị trường này còn có sự góp mặt của vài chục công ty khác, trong đó có Incom, Gapit, Fibo, Maro Media.

Tin nhắn marketing cũng đóng góp một phần khá lớn doanh thu cho các công ty dịch vụ điện thoại di động. Các công ty làm dịch vụ tin nhắn marketing phải trả khoảng 200-500 đồng/tin nhắn cho các nhà mạng.

Điểm hấp dẫn của mô hình kinh doanh này là không đòi hỏi nhiều về công nghệ hay vốn. Doanh nghiệp thường đầu tư hệ thống máy chủ, đường truyền, phần mềm... Công ty VHT, chuyên về tiếp thị qua tin nhắn, đã đầu tư ban đầu khoảng 600 triệu đồng. Ông Tâm cho biết, VHT tăng trưởng doanh thu mỗi năm 100% và tỉ suất sinh lời rất tốt, khoảng 25% doanh thu.

Tuy nhiên, nói về tương lai ngành này, ông Tâm dự đoán, chỉ sau khoảng 10 năm nữa, tin nhắn marketing sẽ thoái trào.

Thoái trào vì đâu?

Giá rẻ là ưu thế để tin nhắn marketing phát triển mạnh nhưng đó cũng là một phần nguyên nhân sớm đẩy ngành này đến chỗ thoái trào. Các doanh nghiệp tận dụng ưu thế giá rẻ của tin nhắn để liên tục gửi tin, làm phiền khách hàng.

Thêm vào đó, những hình thức lừa đảo qua tin nhắn cũng ngày càng nở rộ khiến cho người dùng có tâm lý phòng thủ. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp mất tiền và mất thời gian nhưng tin nhắn của họ vẫn bị coi là rác.

Có thể thấy trở ngại lớn nhất để phát triển hình thức này không phải là công nghệ hay vốn mà là tâm lý của người dùng.

Ông Tâm gợi ý rằng nên làm theo cách của các ngân hàng, các công ty tài chính. Họ chỉ thông báo những thông tin khách hàng chấp nhận trả tiền. Nếu có quảng cáo thì đó đều là thông tin kèm với giải thưởng hấp dẫn khách hàng. Hơn nữa, thay vì gửi tin nhắn từ một đầu số nào đó, họ thay bằng tên của mình, ví dụ như Sacombank, Vietcombank... để khách hàng tin tưởng, qua đó tăng thêm hiệu quả tiếp thị.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với mô hình kinh doanh tin nhắn chính là sự phát triển của điện thoại thông minh và internet. Theo số liệu do Yahoo! công bố vào đầu tháng 12.2011, Việt Nam có tốc độ phát triển internet nhanh thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Malaysia. Một số liệu khác của Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường GfK Việt Nam cho thấy từ đầu năm đến tháng 9.2011, doanh số điện thoại thông minh tại thị trường Việt Nam đã tăng khoảng 66%.

“Với điện thoại thông minh, người dùng có thể giao tiếp bằng những công cụ miễn phí như webchat và không cần tin nhắn nữa. Điều này khiến cho dịch vụ này sẽ thoái trào”, ông Tâm cho biết. Thay vào đó, việc tiếp thị sẽ chuyển sang các ứng dụng trên điện thoại di động. Ví dụ như những bảng quảng cáo xuất hiện trong các trò chơi hay ứng dụng khi người dùng tải về máy. Đây cũng là xu hướng đang diễn ra trên thế giới.

Tuy nhận định thị trường tin nhắn marketing sẽ thoái trào, song ông Tâm cho rằng điều đó không có nghĩa là chấm hết, như trường hợp báo mạng phát triển mạnh nhưng báo giấy vẫn không chết. Ông cho rằng đó vẫn sẽ là ngành kinh doanh ngách với tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn. “Vấn đề là doanh nghiệp cần chú ý đến nội dung tin nhắn, cho khách hàng thấy nó có ích với họ, khác với cách làm tung tin rác”, ông nói.

Theo NCĐT

0 nhận xét :

Post a Comment