Nhờ được tiếp cận với Internet từ sớm, Hà Anh Tuấn từ
một người chỉ có hai bàn tay trắng đã gây dựng nên một công ty nghiên
cứu, khảo sát thị trường, thiết kế web, dịch vụ SEO có mạng lưới rộng
khắp.
Chia sẻ về con đường đến với Internet, CEO của Vinalink cho biết đó là một điều rất may mắn trong cuộc đời anh. Trước thời điểm Internet
chính thức xuất hiện ở Việt Nam (19/11/1997), anh từng tham gia mạng
Trí tuệ Việt Nam, và làm việc trong một công ty xuất nhập khẩu với công
việc chủ yếu dùng fax và chưa hề biết đến e-mail. Tuy nhiên, từ khi có Internet, Hà Anh Tuấn đã có những cơ hội được làm việc trong môi trường mới, để rồi phát huy được các khả năng và sự nhạy bén của mình.
Tháng 1/1998, anh xin nghỉ làm việc công chức nhà nước
và đảm nhiệm chức phó giám đốc quảng cáo cho công ty Hoa Nam, hoạt động
chủ yếu trong lĩnh vực quảng cáo, in ấn biển báo. Chính tại đây, thông
qua các mối quan hệ bạn bè, Hà Anh Tuấn đã gặp gỡ Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Vnn.vn với một dự án quảng cáo Internet khá mới mẻ.
Việc tiếp cận với Internet thời bấy giờ vẫn còn rất khó khăn. Internet những năm đó sử dụng phương thức kết nối dial-up. Tài khoản của bạn anh được cấp 6 tiếng, và Hà Anh Tuấn được mượn dùng 2 tiếng để phục vụ cho công việc quản lý toàn bộ mảng quảng cáo Internet.
Chỉ sau vài tháng làm quen với Internet, Hà Anh Tuấn
đã có những ý nghĩ táo bạo, đó là lập ra chương trình Việt Nam Top 100 -
website xếp hạng 100 doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá với bạn bè thế
giới. Bên cạnh đó, anh cũng bắt đầu mày mò học thiết kế web và được mời
xây dựng trang web cho các công ty lớn kinh doanh ở Việt Nam như Toyota,
Bảo Việt hay Lilama.
Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp cơ bản nào về Internet, nhưng thời bấy giờ, Hà Anh Tuấn liên tục có mặt tại các cơ quan ban ngành của các Bộ để phổ biến Internet cho cán bộ công chức.
Từ năm 2000 đến 2004, Hà Anh Tuấn tách ra
làm riêng và thành lập Vinalink với công việc chủ yếu là thiết kế web
cho doanh nghiệp. Những khách hàng lớn của công ty có thể kể đến Hội
đồng từ điển Bách Khoa Việt Nam, Tổng công ty cầu Thăng Long, hãng xe
Yamaha, hãng viễn thông Gtel... Một lĩnh vực khác mà Vinalink cũng tham
gia là cung cấp dịch vụ SEO. Tuy nhiên, khách hàng ở lĩnh vực này khá ít
ỏi và chủ yếu là công ty chuyên về du lịch, lữ hành và xuất nhập khẩu.
Nhận thấy được những tiềm năng kinh doanh trên mạng Internet và những hạn chế về mặt kiến thức, công nghệ, Hà Anh Tuấn sau đó đi học nước ngoài nhiều lần về online marketing.
Bắt đầu từ năm 2006, Vinalink nổi lên như một công ty
hàng đầu tại Việt Nam trong việc cung cấp dữ liệu thị trường. Vinalink
đã tự xây dựng các trang vệ tinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút hơn
100.000 thành viên, khi đó danh bạ web của Vinalink đã có thời kỳ lọt
vào Top 2000 website lớn nhất thế giới. Khi có khảo sát, thành viên sẽ
được mời và nhận quà là thẻ điện thoại, vì thế các hoạt động khảo sát
khá thành công.
Mạng xã hội cũng là một trong những nội dung được
Vinalink đặc biệt quan tâm. CEO của Vinalink đánh giá cao mạng xã hội
Zing Me ở Việt Nam. Theo anh Tuấn, các doanh nghiệp có khách hàng mục
tiêu là giới trẻ tại Việt Nam quảng bá trên mạng xã hội Zing Me thành
công hơn rất nhiều so với Facebook. Điển hình như việc Megastar làm
chương trình sự kiện kết hợp bán vé trên Zing Me thu hút rất đông người
tham gia. Hiện nay, Vinalink đã quản lý hàng chục fanpage trên Zing Me
với mỗi trang vài trăm ngàn thành viên.
CEO của Vinalink cũng đánh giá cao vai trò của các diễn
đàn, mà nổi lên ở Việt Nam là những diễn đàn liên quan đến công nghệ
thông tin, ô tô xe máy, nơi có hàng trăm nghìn thành viên.
![]() |
CEO Vinalink trong một buổi hội thảo. |
Sau 15 năm Internet có mặt ở Việt Nam, chúng
ta đã chứng kiến bốn giai đoạn phát triển bùng nổ, bao gồm giai đoạn hạ
giá thuê bao kết nối dial-up; ADSL xuất hiện với các quán cafe Internet mọc lên như nấm, giúp phổ biến Internet đến từng khu phố; giai đoạn Internet văn hóa xã len lỏi về vùng nông thôn; và 3G xuất hiện. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng 37 đến 40 triệu người dùng Internet, trong đó số lượng người dùng độ tuổi từ 13 đến 24 chiếm đến 80%. Theo đánh giá của CEO Vinalink thì đây là điều kiện rất hấp dẫn để phát triển kinh doanh trực tuyến và khảo sát thị trường tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chi phí sử dụng Internet tại
Việt Nam được cho là rẻ gần như nhất thế giới. Các thẻ SIM 3G với mức
giá vừa phải, người dùng có thể sử dụng vài tuần, thậm chí cả tháng.
Trong khi đó, việc dùng Internet ở nước ngoài khá tốn tiền. Hà Anh Tuấn
lấy ví dụ khi anh công tác tại Trung Quốc, mua một thẻ SIM 3G với giá
100 tệ nhưng chỉ dùng được 3 ngày. Điều tương tự cũng xảy ra tại
Singapore, Thái Lan.
Trong hai năm trở lại đây, với sự khó khăn chung của
nền kinh tế Việt Nam và thế giới, công ty Vinalink cũng gặp không ít khó
khăn khi các đối tác đòi hạ giá các dịch vụ đối với các mảng nghiên
cứu, khảo sát thị trường, online marketing. Tuy nhiên, với sự tự tin vào
khả năng thành công, Vinalink thường không chấp nhận yêu cầu của đối
tác và theo Hà Anh Tuấn, mỗi năm công ty chỉ cần ký hợp đồng với một vài đối tác lớn là cũng đã đủ chỉ tiêu.
Theo anh Tuấn, số lượng gần 200.000 doanh nghiệp trên
tổng số 500.000 doanh nghiệp đã đăng ký tên miền cho thấy một nhóm đối
tượng khách hàng khá phong phú tại thị trường Internet
Việt Nam. Tuy nhiên, để thuyết phục được những công ty này tiến hành
làm marketing online không phải chuyện đơn giản, do thói quen kinh doanh
cũ vẫn chưa được thay đổi.
Hiện nay, đội ngũ nhân viên của Vinalink có khoảng hơn
30 người, trong đó có những nhân viên là người nước ngoài và làm việc
tại Mỹ. Không chỉ chú trọng phát triển dịch vụ nghiên cứu thị trường,
những năm gần đây công ty còn mở rộng kinh doanh sang thị trường nước
ngoài trong việc đầu tư tên miền, cho thuê website đã SEO lên top Google
với tổng số vốn đầu tư hàng trăm nghìn USD.
0 nhận xét :
Post a Comment